TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN – HỌC LÀ TRẢI NGHIỆM VỚI THỰC TIỄN

Truyền thông đang trở thành một trong những ngành nghề phát triển mạnh mẽ nhất Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông số. Cùng với sự phát triển của công nghệ, hành vi của công chúng cũng thay đổi, nhân lực của ngành truyền thông đang ngày càng yêu cầu nhiều hơn kỹ năng mới so với trước đây. Truyền thông đa phương tiện được xem là ngành học với nhiều trải nghiệm mở ra nhiều cánh cửa dành cho các bạn trẻ năng động.

Chương trình đào tạo của ngành Truyền thông đa phương tiện (TTĐPT) tại Trường CĐ Phát thanh –Truyền hình II được tích hợp giữa công nghệ truyền thông số, thiết kế đồ họa và mỹ thuật đa phương tiện nhằm trang bị cho sinh viên nền tảng chuyên môn vững chắc, phù hợp xu hướng, đây được xem là điểm nổi bật mà ngành học này mang lại. Là một ngành học dành cho những ai thích sáng tạo, đam mê trải nghiệm và khám phá, qua 4 đợt tuyển sinh từ khóa K18, K19, K20 và K21 ngành học này ngày càng thu hút rất đông  các bạn trẻ đến đăng ký và theo học, vượt chỉ tiêu gần 20% mỗi năm.

Một  giờ thực hành tại phim trường ảo

Học là trải nghiệm với thực tiễn” là phương châm của Trường CĐ Phát thanh –Truyền hình II, nhằm giúp sinh viên có thể tiếp cận thực tế, ở từng môn học đều tạo điều kiện cho các em được xây dựng ý tưởng, trực tiếp sản xuất ra các loại sản phẩm media theo sát với nhu cầu truyền thông hiện nay. Do vậy, tất cả các môn học trong chương trình đào tạo của ngành TTĐPT luôn yêu cầu sinh viên phải vừa học vừa làm, kết hợp song song giữa lý thuyết và thực hành, với giờ thực hành nhiều hơn lý thuyết, chiếm hơn 50% tổng thời lượng đào tạo. Đây cũng là chiến lược đào tạo lâu dài mang tính ứng dụng của Trường CĐ Phát thanh –Truyền hình II ngay từ những ngày đầu mở ngành.

Sinh viên thu chương trình tại Studio phát thanh

Vượt ra khỏi giới hạn của các môn học, sinh viên ngành TTĐPT sẽ dần tự hoàn thiện bản thân, có đủ năng lực làm việc để nhanh chóng tiến gần hơn với môi trường làm việc chuyên nghiệp trước khi ra trường qua các trải nghiệm thực tại giảng đường. Trong 2 năm học tập, sinh viên sẽ được thường xuyên tham gia thực hiện các sản phẩm truyền thông như: sản xuất các chương trình truyền hình; Tổ chức sự kiện; Tổ chức sản xuất các sản phẩm quảng cáo...

Sinh viên  trong giờ thực hành quay phim

Bên cạnh đó, Trường CĐ Phát thanh –Truyền hình II còn chú trọng trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết như: tư duy logic, xử lý tình huống, phối hợp làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp hiệu quả…Tạo điều kiện cho các bạn được tham gia học tập và trải nghiệm ở các câu lạc bộ của trường như: CLB Truyền Thông; CLB Nhiếp ảnh... nhằm phát huy khả năng chuyên môn và năng lực sáng tạo, tăng cường cơ hội giao lưu học hỏi ở các buổi nói chuyện chuyên đề; Workshop...thử sức ở nhiều cuộc thi kỹ năng do nhà trường và đoàn hội tổ chức định kỳ...

CLB Truyền thông thực hiện Podcast “Góc nhỏ Sinh viên”

Ở học kỳ cuối, sinh viên sẽ có đợt thực tập tại các doanh nghiệp, công ty truyền thông, được tìm hiểu, học tập trong các lĩnh vực như: sản xuất các sản phẩm media, thiết kế, truyền hình, giải trí, quảng cáo,...Qua đó, trau dồi kỹ năng chuyên môn, thích nghi dần với các vị trí công việc trong môi trường truyền thông số.

Sinh viên Khóa 20CĐTT đến thực tập tại Công ty TNHH Giải trí

Âm nhạc Bước nhảy JetStudio

Với kết quả toàn khóa học 2019 – 2021, ngành TTĐPT có tỷ lệ tốt nghiệp đạt khoảng 80%. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đến nay đã có việc làm ở các doanh nghiệp, công ty và cơ quan báo chí khu vực phía Nam. Điển hình như trường hợp của Thanh Ráp - cựu sinh viên Khóa 19CĐTT đang công tác tại Kênh Truyền thông Tư vấn sức khỏe AloBacsi, với những kỹ năng được đào tạo tại trường, anh có thể đảm nhiệm được vai trò là BTV – MC của các chương trình theo yêu cầu của cơ quan.

BTV – MC Thanh Ráp  trong một chương trình tư vấn sức khỏe của AloBacsi

Còn với Văn Lành – chàng trai có niềm đam mê với chụp ảnh, thích sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để kể chuyện qua nhiều video clip. Sau khi ra trường, anh đã được đầu quân cho bộ phận truyền thông của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, tại đây anh được giao nhiều vị trí từ chụp ảnh, quay phim, dựng phim...phục vụ cho công tác truyền thông nội bộ của đơn vị.

Văn Lành cựu sinh viên khóa 18CĐTT

Từ thực tế phát triển không ngừng và yêu cầu ngày càng cao của ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường CĐ Phát thanh –Truyền hình II đã có những hoạch định chiến lược trong 2 năm đào tạo, từng bước vận dụng công nghệ, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, cập nhật liên tục các xu thế công nghệ mới trong truyền thông vào công tác giảng dạy. Với môi trường học tập ứng dụng đa dạng và năng động, Trường CĐ Phát thanh –Truyền hình II là điểm đến giúp các bạn trẻ có thể tự tin bước vào  lĩnh vực truyền thông bằng những tri thức mới./.

Hoài Hương – Khoa BC&TT/Hình ảnh tư liệu