Thầy Hồ Thanh: Người đặt nền móng cho ngành Báo chí phát thanh - truyền hình

Thầy Hồ Thanh (Hồ Tịnh Tình), nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II đã từ trần lúc 5 giờ 00 ngày 07/8/2021 do tuổi cao, hưởng thọ 78 tuổi. Với vai trò quản lý, thầy Hồ Thanh đã có những dấu ấn vô cùng quan trọng, trong đó không thể không nhắc đến vai trò đặt nền móng cho ngành báo chí PT-TH.

Năm 1994, thầy Hồ Thanh - Phó Giám đốc Cơ quan trường trú Đài TNVN tại TP.HCM chuyển công tác về làm Phó Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Phát thanh - Truyền hình TP.HCM. Bấy giờ Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan chủ quản của Trường là đồng chí Phan Quang.

Thầy Hồ Thanh còn nhớ như in về trách nhiệm được giao khi về trường: xây mới trường tại trụ sở 75 Trần Nhân Tôn, Q5, đảm bảo cơ sở vật chất để nâng cấp lên trường trung học đồng thời mau chóng xây dựng chương trình đào tạo trung cấp cho ngành kỹ thuật điện tử và ngành báo chí. Thầy kể: “Năm 1994,  trường tuyển sinh khoảng 30 học viên là công nhân kỹ thuật phát thanh truyền hình (PTTH) bậc 3/7, toàn bộ trường chỉ có 7 giảng viên”. Và tháng 12/1996, thầy Hồ Thanh chính thức được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Đầu năm 1996, Trường được khởi công xây dựng và tháng 9/1997 hoàn thành kịp đưa vào sử dụng cho năm học 1997 - 1998. Trong thời gian xây dựng, trường chuyển các lớp khóa 95, 96 sang học tại Trường TH Thủy Sản Phú Lâm. Đồng thời, trong thời gian này gấp rút hoàn tất hồ sơ xin nâng cấp trường lên hệ trung cấp đào tạo 2 ngành: Phóng viên biên tập PTTH và Kỹ thuật PTTH. Xây dựng chương trình đào tạo trung cấp kỹ thuật PTTH không lo ngại về đội ngũ giáo viên vì  giai đoạn này, đảm bảo cho công tác đào tạo có thầy Nguyễn Quốc Anh, cô Lê Thị Năm một số thầy được giữ lại từ học viên kỹ thuật các khóa trước như thầy Nguyễn Văn Tuấn, Cao Văn Trực, Trần Minh Hùng… Năm 1999, thầy Hồ Thanh đề cử thầy Nguyễn Quốc Anh lên Hiệu phó “vì thầy Quốc Anh rất giỏi và rất xứng đáng”. Giao thầy Thầy Vũ Tiến Quang phụ trách công tác quản lý học sinh, thầy Nguyễn Quốc Anh phụ trách đào tạo khối kỹ thuật và thầy Hồ Thanh tập trung xây dựng khối báo chí. Bấy giờ, báo chí là ngành hoàn toàn mới. Vì vậy trường gặp nhiều khó khăn từ việc xây dựng chương trình đào tạo đến chuẩn bị đội ngũ giảng viên chuyên ngành. Thực tế, Trường không có giảng viên cho ngành báo chí, ngoại trừ thầy Hồ Thanh, gốc là phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng A.

Thầy Hồ Thanh phấn khởi: “Lớp báo chí đầu tiên gần như thỉnh giảng toàn bộ giáo viên. Ngay từ khi chuẩn bị tuyển sinh, tôi đã phải chuẩn bị lực lượng giáo viên hùng hậu, dứt khoát họ phải là những người đã qua thực tiễn tác nghiệp nghề báo như: thầy Hoàng Phủ Ngọc Phan – Nhà xuất bản Trẻ, thầy Lê Phú Khải – Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, thầy Lê Xuân Đài – nguyên phóng viên báo Việt Nam Độc lập – nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, thầy Trần Danh Lân – Đài TH TP.HCM, cô Nguyễn Thị Minh Thái – Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, cô Nguyễn Thị Bích Phượng, thầy Vũ Quang Hùng – báo Công An, thầy Vũ Phán, thầy Nguyễn Việt Bình - Đài TH TP.HCM, thầy Vũ Đức Sao Biển – báo Pháp Luật, thầy Đỗ Lệnh Hùng Tú …”. Lực lượng giáo viên thỉnh giảng này được thiết lập từ mối quan hệ của thầy Hồ Thanh trước đó. Từ dấu ấn năm đầu tiên giảng dạy lớp báo chí 98BC, một số thầy cô vẫn tiếp tục gắn bó với trường sau đó hơn 10 năm.

Thầy nói “ngày ấy vất vả lắm, không chỉ có thế, trong đầu tư máy móc còn vất vả hơn nhiều. Nhớ lại thời kỳ làm ngày làm đêm nhằm kịp hoàn thành phòng thu âm SIDA để tiếp nhận phương tiện kỹ thuật phát thanh trực tiếp…”.

Về hưu, Thầy Hồ Thanh sống chan hòa với văn thơ, hội họa. Gần 7 năm cống hiến cho Trường (1994 – 2001) thầy khẳng định ngắn gọn: “Điều gợi nhớ về trường đối với tôi là sự thành đạt của học trò. Đây là điều tốt nhất trong mọi điều tốt. Vì với công tác giáo dục chỉ có thầy tốt thì trò mới tốt”. Thầy vẫn không nguôi trăn trở suốt bao năm qua là các Đài phát thanh – truyền hình vẫn không nhận sinh viên báo chí ra trường với bằng trung cấp, cao đẳng. Nghĩ về trường, Thầy lại nghĩ đến phải tìm ra giải pháp cho bài toán cung - cầu nguồn nhân lực phát thanh – truyền hình.

Phan Thị Kim Loan

Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông

(ghi)