HỌC VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Cơ sở văn hóa Việt Nam là môn học lý thú đối với những sinh viên yêu thích lịch sử - văn hóa quê hương đất nước. Để giúp sinh viên chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, giảng viên vận dụng phương pháp giảng dạy giàu tương tác, tổ chức nhiều hoạt động thú vị.

1. Tham quan Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh 

Cho sinh viên đi học thực tế tại các địa điểm văn hóa là một trải nghiệm tốt cho việc tiếp thu kiến thức bởi vì sinh viên không bị giới hạn bởi không gian học tập ngay tại lớp, tại trường mà sẽ có một không gian mở bên ngoài trường học. Với không gian học tập thực tế tại các điểm văn hóa, sinh viên sẽ thu nhận được giá trị văn hóa bổ ích. 

Khi tham quan bảo tàng lịch sử Tp Hồ Chí Minh, chỉ trong một buổi, sinh viên  đã khảo sát, tìm hiểu, trải nghiệm cảm nhận thực tế các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu theo chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam. 

Các nhóm được phân công các đề tài khác nhau như: văn hóa Việt Nam thời tiền sử, văn hóa Việt Nam thời phong kiến, văn hóa giao lưu với văn hóa Chăm-pa, văn hóa Óc-eo, Phật giáo ở Việt Nam. Đây là dịp để các bạn sinh viên bước đầu tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu văn hóa trong thực tiễn. 

Chuyến đi sẽ rèn luyện cho các bạn những kỹ năng của văn hóa ứng xử nơi công cộng, ứng xử với các di sản tinh thần của tổ tiên, hình thành những kỹ năng  ứng xử khéo léo trong nhóm học tập, nhận thức về việc đúng giờ và tuân thủ kỷ luật khi học tập bên ngoài giảng đường. Sự gắn kết của các cá nhân với tập thể lớp sẽ càng bền chặt hơn thông qua hoạt động chun .

 Sinh viên lớp 22CĐTT đi học tập ngoại khóa tại Bảo tàng

Đặc biệt trong chuyến đi này một nhóm sinh viên sẽ được hướng dẫn làm một bài tập review bằng clip – một cách ứng dụng môn học vào chuyên ngành  ngành báo chí-truyền thông mà các bạn đang theo học. 

Các thành viên của nhóm sẽ được phân công bám theo các nhóm khác trong lớp suốt quá trình tham quan học tập tại bảo tàng. Các bạn sẽ tập làm một số kỹ năng đơn giản như chụp ảnh, phỏng vấn, quay phim để có thể ghi chép một cách sinh động các hoạt động của các nhóm ở các phòng trưng bày khác nhau trong bảo tàng và ngoài bảo tàng. Đây là bài học quý giá của sinh viên trong bước đầu tìm hiểu về ngành nghề, về sự gắn bó mật thiết của các ngành khoa học cơ bản, cơ sở đối với chuyên ngành mà các bạn đang theo đuổi.

2. Sân khấu hóa các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của  các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống Việt Nam dần bị thay thế và đánh mất chỗ đứng của mình trong bầu trời văn hóa đương đại. Ngày càng ít các bạn trẻ dành niềm yêu thích cho đờn ca tài tử, hát quan họ, hát xoan, hát ả đào, múa rối nước, chèo, tuồng càng ngày càng khó lên sân khấu, những dịp sáng đèn trên sân khấu ngày càng ít ỏi. Truyền thông văn hóa là một cách thức sống còn để giữ gìn và phát triển vốn nghệ thuật dân gian Việt Nam. 

Để thắp lên ngọn lửa cho thế hệ làm báo - truyền thông tương lai, các giờ học môn cơ sở văn hóa sẽ khuyến khích các bạn sinh viện chọn cách thức diễn xướng các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam. Mỗi bạn sinh viên tuy không phải là một nghệ nhân chuyên nghiệp nhưng cũng đã khơi dậy dược  tình yêu với nghệ thuật truyền thống. Mỗi điệu múa, mỗi câu ca còn chưa đúng nhịp của các nhóm biểu diễn vẫn để lại những rung động tinh tế cho cả lớp, để các bạn cảm nhận cái ngọt ngào của ca dao, tuồng cổ, của cải lương, hát xẩm… 

Thông qua việc chuẩn bị cho tiết mục, các bạn còn có thể tập dượt các kỹ năng có thể vận dụng trong môn tổ chức sự kiện ví dụ như lên  ý tưởng nội dung, viết kịch bản, liên hệ mời nghệ nhân, chuẩn bị trang phục.

Sinh viên lớp 22CĐTT tái hiện văn hóa nam bộ xưa

3. Sinh viên ngành Quay phim, báo chí và truyền thông đa phương tiện cùng nhau làm bài tập thực tế

Với những nhóm sinh viên có hứng thú với việc quay dựng clip thì các bạn sẽ được khuyến khích chọn những bài tập nhóm sử dung các thiết bị quay chụp hay điện thoại di động để thực hiện đề tài về văn hóa vật chất hoặc văn hóa tinh thần Việt Nam. Đây là một hướng tiếp cận văn hóa của báo chí-truyền thông. 

Những chuyện hậu trường “cười ra nước mắt” đã theo chân các nhóm đi quay ở Miếu nổi Phù Châu, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng áo dài Tp Hồ Chí Minh, Lăng Ông bà Chiểu, Văn miếu Trấn Biên, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, cà phê bệt Sài Gòn, thư viện Tổng hợp thành phố Hồ chí Minh, Dinh Độc Lập. 

Mỗi bước chân các bạn đi ra ngoài giảng đường mang theo sự nhiệt tình, tinh thần ham học hỏi và khát khao khám phá, trải nghiệm.

Sinh viên lớp 22CĐBC thực hiện quay clip về Bảo tàng áo dài và Miếu nổi Phù Châu.